BÁO CÁO TÓM TẮT HIỆN TRẠNG CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2013

1. Kết quả quan trắc chất lượng không khí

Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông năm 2013 tại 06 trạm quan trắc KKBTĐ cho thấy:

Ô nhiễm chất lượng không khí do hoạt động giao thông chủ yếu là do bụi lơ lửng (với 95% số liệu quan trắc được trong năm 2013 vượt QCCP) và mức ồn (với 99,86% số liệu quan trắc được vượt QCCP từ 7 – 10 dBA).

Nồng độ các chất ô nhiễm tại khu vực ngã tư An Sương có giá trị cao nhất trong 06 vị trí quan trắc chất lượng không khí do giao thông.

Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại 06 vị trí quan trắc chất lượng không khí do giao thông cụ thể như sau:

– Nồng độ trung bình giờ của CO quan trắc được trong năm 2013 dao động trong khoảng 9,1 mg/m3 – 15,66 mg/mvà có 99,72% số liệu đạt QCVN. So với năm 2011, nồng độ CO có xu hướng giảm tại 05 vị trí quan trắc (HX, ĐTH – ĐBP, PL, AS, HTP – NVL). So với năm 2012, nồng độ CO có xu hướng tăng tại 05 vị trí quan trắc (ĐTH – ĐBP, PL, AS, GV, HTP –NVL).

– Hàm lượng trung bình giờ của bụi lơ lửng do hoạt động giao thông dao động từ 0,43 – 0,62 mg/m3, 95% giá trị quan trắc không đạt QCVN 05:2009/BTNMT. So với năm 2011, nồng độ Bụi có xu hướng giảm tại 03 vị trí quan trắc (HX, AS, HTP – NVL). So với năm 2012, nồng độ Bụi có xu hướng giảm tại 04 vị trí (HX, ĐTH – ĐBP, AS, HTP – NVL).

– Hàm lượng trung bình giờ của Chì quan trắc trong năm 2013 dao động trong khoảng 0,31 – 0,4 µg/m3; có xu hướng giảm so với năm 2011 (giảm tại 04 vị trí quan trắc: HX, ĐTH – ĐBP, AS, GV) và tăng tại 06 vị trí quan trắc so với năm 2012.

– Nồng độ trung bình giờ của NO2 quan trắc năm 2013 dao động từ 0,16 – 0,2 mg/m3. So với năm 2011 và năm 2012, nồng độ NO2 có xu hướng giảm (giảm tại 03 vị trí quan trắc so năm 2011 và giảm tại tất cả 06 vị trí quan trắc so với năm 2012).

– Tiếng ồn: Với 99,86% số liệu quan trắc không đạt quy chuẩn cho phép, cao hơn quy chuẩn cho phép từ 7 – 10 dB. Riêng vị trí HX có 1% số liệu quan trắc thấp hơn QCCP. Mức ồn cao nhất ở vị trí AS và giảm dần theo thứ tự như sau: AS > ĐTH – ĐBP > GV > PL > NVL – HTP > HX.

2. Kết quả quan trắc chất lượng thủy văn, nước sông và kênh rạch

2.1. Kết quả quan trắc thủy văn

So với Hmax của năm 2012, nhìn chung giá trị Hmax cao nhất trong năm 2013 trên sông Sài Gòn – Đồng Nai cao hơn từ 2cm đến 10cm. Đặc biệt, giá trị mực nước đỉnh triều cao nhất năm 2012 tại Phú An đạt giá trị 168cm (giá trị Hmax lịch sử). Về thời gian xuất hiện đỉnh triều cao nhất năm tại 15 trạm đo đạc thủy văn trong năm 2013, tất cả 15 trạm đếu xuất hiện mực nước đỉnh triều lớn nhất trong năm vào tháng X. Còn đỉnh triều thấp nhất trong năm 2013, có 11/15 trạm xuất hiện vào tháng VI và 2/15 trạm xuất hiện vào tháng V, tại trạm Bến Súc là tháng III và trạm Hóa An là tháng V.

So với Hmin của năm 2012, thì giá trị Hmin năm 2013 nhìn chung nhỏ hơn từ 3cm (Bình Phước, Bình Điền) đến 23cm (Cửa Ngã 7). Về thời gian xuấtt hiện chân triều cao nhất, có 8/15 trạm xuất hiện vào tháng X, có 5/15 trạm xuất hiện vào tháng II và 2/15 trạm xuất hiện vào tháng IX.

Lưu tốc chảy ra lớn nhất trong các đợt đo trong năm 2013 nhìn chung không chênh lệch nhiều với giá trị tương ứng vào năm 2012giá trị chênh lệch dao động từ -0,14m/s (Vàm Sát) đến 0,306m/s (Ngã 3 Thị Tính).

Lưu tốc chảy vào lớn nhất trong các đợt đo năm 2013 so với số liệu tương ứng của năm 2012 dao động từ -0,164m/s (Hóa An) đến 0,073m/s (Phú An).

Giá trị lưu lượng bình quân tại các trạm có sự biến động khá lớn nhất là các trạm vùng cửa sông do sông rộng và tác động của thủy triều rất mạnh. Nhìn chung, so với cùng kỳ năm 2012 thì lưu lượng bình quân lớn nhất (Qbq max) trong năm 2013 có giá trị lớn hơn từ 11,3m3/s đến 1259m3/s.

2.2. Kết quả quan trắc chất lượng nước sông

– Chất lượng nước tại các trạm quan trắc nước mặt sử dụng cho mục đích cấp nước:

Các chỉ tiêu pH, BOD5, COD và độ mặn ở hầu hết các trạm quan trắc đều đạt quy chuẩn cho phép đối với nguồn nước mặt loại A1 (QCVN 08:2008/BTNMT).Các chỉ tiêu DO, nồng độ dầu và Coliform không đạt quy chuẩn cho phép nêu trên.

So với cùng kỳ năm 2012, các chỉ tiêu như BOD5, nồng độ dầu và độ mặn có xu hướng tăng tại 50 – 100% các trạm quan trắc. Các chỉ tiêu như DO, COD có xu hướng giảm tại 67 – 83% các trạm. Riêng pH thay đổi không đáng kể.

Kết quả phân tích kim loại nặng: Pb, Cd, Hg, Cu ở các trạm đều đạt quy chuẩn cho phép đối với nguồn nước mặt loại A1 (QCVN 08:2008/BTNMT).

Kết quả quan trắc tại các trạm cho thấy nồng độ Mn đều đạt tiêu chuẩn cho phép (TCXDVN 33:2006). So với cùng kỳ năm 2012, nồng độ Mn có xu hướng giảm tại 67% các trạm quan trắc.

– Chất lượng nước tại các trạm quan trắc nước mặt dùng cho các mục đích khác:

Nhìn chung, các chỉ tiêu pH, BOD5, COD, nồng độ dầu quan trắc được trong năm 2013 tại hầu hết các trạm quan trắc đều đạt quy chuẩn cho phép đối với nguồn nước mặt loại B1 (QCVN 08:2008/BTNMT). Nồng độ DO và Coliform tại 38 – 56% các trạm quan trắc vượt quy chuẩn cho phép đối với nguồn nước mặt loại B1 (QCVN 08:2008/BTNMT).

So với cùng kỳ năm 2012 các chỉ tiêu DO, BOD5 và COD có xu hướng tăng tại 56 – 69% các trạm quan trắc. Các chỉ tiêu pH, nồng độ dầu và Coliform có xu hướng giảm tại 69 – 94% các trạm.

Kết quả phân tích kim loại nặng: Pb, Cd, Hg, Cu ở các trạm đều đạt quy chuẩn cho phép đối với nguồn nước mặt loại B1 (QCVN 08:2008/BTNMT).

2.3. Kết quả quan trắc chất lượng nước kênh rạch

Theo kết quả quan trắc chất lượng nước kênh rạch trong khu vực nội thành TP.HCM năm 2013 cho thấy mức độ ô nhiễm hữu cơ và vi sinh tại hầu hết tất cả các kênh đang có xu hướng được cải thiện đáng kể (so với năm 2012); ngoại trừ kênh Tham Lương – Vàm Thuật nồng độ ô nhiễm vẫn có xu hướng tăng nhưng tăng với tốc độ chậm lại so với các năm trước.

Bên cạnh kênh Tân Hóa – Lò Gốm vẫn là điểm nóng ô nhiễm trong hệ thống kênh tiêu thoát của thành phố, vượt QCVN 88% đối với nồng độ BOD và 100% đối với nồng độ COD và hàm lượng Coliform.

Đoạn kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trước đây là “đoạn kênh đen” với mức độ ô nhiễm hữu cơ và vi sinh cao nhưng giờ đã và đang được cải thiện đáng kể, với 100% số mẫu đạt chuẩn QCVN với nồng độ BOD và COD.

3. Kết quả quan trắc chất lượng nước dưới đất

Kết quả quan trắc mực nước tĩnh ở các trạm thuộc 3 tầng quan trắc cho thấy. So với năm 2012, mực nước tại các trạm đa số giảm ở cả 3 tầng Pleistocen, Pliocen trên, Pliocen dưới. Cụ thể mực nước giảm từ 0,03m đến 1,19m tại 11/15 giếng quan trắc thuộc tầng Pleistocen; giảm từ 0,10m đến 0,17m tại 7/9 giếng quan trắc thuộc tầng Pliocen trên và giảm từ 0,01m đến 1,15m tại 6/7 giếng quan trắc thuộc tầng Pliocen dưới. Đáng lưu ý ở trạm Tân Chánh Hiệp mực nước hạ thấp so với năm 2012 ở cả 3 tầng quan trắc và hạ thấp nhất ở tầng Pleistocen là 1,19m.

Tầng Pleistocen

So với Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 09 : 2008/BTNMT), đa số các chỉ tiêu quan trắc trong năm 2013 đều đạt quy chuẩn, ngoại trừ hàm lượng vi sinh có kết quả phân tích vượt chuẩn ở đa số trạm.

So với năm 2012, kết quả phân tích các chỉ tiêu trong năm nay có diễn biến tăng tại đa số trạm, trong đó, tăng đáng kể nhất là nồng độ TDS tại trạm TTT.

Tầng Pliocen trên

So với QCVN (QCVN 09 : 2008/BTNMT), chất lượng nước tầng Pliocen trên trong năm 2013 vẫn đạt quy chuẩn cho phép.

So với năm 2012, mức độ ô nhiễm hữu cơ và vi sinh tại tầng này có dấu hiệu tăng (TDS, độ cứng tổng, nitrat, Fe tổng và Fecal Coliform có nồng độ tăng tại đa số trạm). Tuy nhiên, hàm lượng kim loại nặng tại tầng này có kết quả phân tích giảm tại đa số trạm.

Tầng Pliocen dưới

Tương tự, so với QCVN, chất lượng nước tại tầng này vẫn đạt quy chuẩn cho phép ngoại trừ 2 trạm TaT và BH có kết quả quan trắc các chỉ tiêu không đạt quy chuẩn.

So với năm 2012, nồng độ các chỉ tiêu ô nhiễm tại tầng này đa số đều tăng, trong đó, tăng đáng kể nhất là nồng độ nitrat tại trạm PT.

4. Kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ

Kết quả quan trắc nước biển ven bờ thuộc 2 khu vực nuôi trồng thuỷ sản và bãi tắm trong năm 2012 hầu hết các chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn cho phép (QCVN 10:2008/BTNMT; giới hạn khu vực nuôi trồng thủy sản và khu vực bãi tắm). Riêng chỉ tiêu COD, có 6/9 vị trí vượt quy chuẩn Việt nam từ 1,01 – 1,5 lần (cửa sông Đồng Tranh, bãi Cần Thạnh, bãi 30/4, bãi Đồng Hòa, công viên Cần Thạnh và khu du lịch 30/4). Hàm lượng dầu tổng đều không đạt quy chuẩn Việt Nam ở cả 9 vị trí quan trắc thuộc cả 2 khu vực: nuôi trồng thủy sản và bãi tắm.

So với năm 2012 kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ trong năm 2013 cả 5 chỉ tiêu đều có xu hướng giảm: pH (6/9 trạm), COD (6/9 trạm), Pb (5/9 trạm), dầu tổng (9/9 trạm) và Coliform (9/9 trạm) thuộc 2 khu vực nuôi trồng thủy sản và bãi tắm.

Kết quả phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng (Cu, Pb, Cd, As, và Hg) trong nước biển ven bờ năm 2012 hầu hết đều đạt quy chuẩn cho phép (QCVN 10:2008/BTNMT; giới hạn khu vực nuôi trồng thủy sản và khu vực bãi tắm).

Tất cả các chỉ tiêu kim loại nặng trong trầm tích đáy ven biển Cần Giờ đã quan trắc trong năm 2013 đều đạt tiêu chuẩn cho phép (QCVN 43:2012/BTNMT đối với bùn đáy cửa biển: nồng độ chì (Pb) 112 mg/kg; cadimi (Cd) 4,2 mg/kg; thủy ngân (Hg) 0,7 mg/kg; asen (As) 41,6mg/kg; đồng (Cu) 108 mg/kg).

Kết quả phân tích hàm lượng thuốc trừ sâu hữu cơ tại 9 vị trí quan trắc thuộc 2 khu vực, nuôi trồng thủy sản và bãi tắm (cửa sông Đồng Tranh, cửa sông Lòng Tàu, cửa sông Cái Mép, bãi Cần Thạnh, bãi 30/4, bãi Đồng Hòa, công viên cần Thạnh, khu du lịch 30/4 và khu du lịch Hòn Ngọc Phương Nam) trong các mẫu nước biển ven bờ và trầm tích đáy đều không phát hiện.

Kết quả khảo sát khu hệ thủy sinh vật ven biển Cần Giờ qua 12 đợt quan trắc trong năm 2013 đã thu thập được 406 loài; trong đó thực vật phiêu sinh thu thập được 178 loài, động vật phiêu sinh ghi nhận có 122 loài và động vật đáy không xương sống cỡ lớn có 106 loài có mặt trong khu vực khảo sát. Hầu hết các loài động, thực vật phiêu sinh là nguồn thức ăn dồi dào cho động vật thủy sinh nơi đây và các nhóm loài động vật đáy có vai trò quan trọng trong xử lý môi trường (Polychaeta, Bivalvia), một số loài có giá trị kinh tế như: Anadara spp., Meretrix spp., Crassostrea sp., Natica spp.,…

Khu hệ Động vật đáy: kết quả khảo sát động vật đáy khu vực ven biển Cần Giờ năm 2013 đã ghi nhận được 106 loài. Thành phần loài động vật đáy khu vực ven biển Cần Giờ đặc trưng bởi nhóm các loài nước mặn, nước lợ, các loài có nguồn gốc biển phân bố rộng muối như các nhóm loài giun nhiều tơ, giáp xác nhỏ, các loài thân mềm, da gai…. Các nhóm loài này là nguồn thức ăn tự nhiên quan trọng cho các loài tôm, cua và cá ăn đáy.

Khu hệ động vật nổi: Khu hệ động vật nổi ven biển Cần Giờ năm 2013 có thành phần loài ghi nhận được khá đa dạng và phong phú với 122 loài. Trong đó, Copepoda là nhóm đóng vai trò chủ đạo, bên cạnh đó là nhóm loài Larva và Protozoa cũng đóng vai trò đáng kể. Phần lớn các nhóm loài khác ghi nhận được rất thấp, từ 1 – 3 loài như: Hydrozoa, Nematoda, Ostracoda, Pteropoda,… Chúng đều là các loài có giá trị lớn trong nguồn thức ăn tự nhiên của ấu trùng tôm, cá trong thuỷ vực.Cấu trúc loài, số lượng loài và mật độ cá thể ghi nhận được khá cao và ổn định, biến động theo mùa khá rõ rệt, vùng Cửa sông cao hơn so với các vùng khảo sát khác, vào mùa mưa thường cao hơn so với mùa khô.

Khu hệ Thực vật nổi: Có thành phần loài khá phong phú và đa dạng, đã ghi nhận được tổng số 178 loài, trong đó nhóm tảo Silic chiếm đa số và đóng vai trò quan trọng cấu thành nên khu hệ Thực vật phiêu sinh, bên cạnh là thành phần loài tảo Giáp cũng đóng vai trò đáng kể.Biến động số lượng loài và mật độ tế bào thực vật phiêu sinh tại các khu vực khảo sát ở Cần Giờ khá phức tạp, không theo quy luật hay nguyên tắc nào, vào mùa mưa thường cao và ổn định hơn so với mùa khô; các điểm khảo sát ở vùng cửa sông có số lượng cao hơn so với các khu vực còn lại.