Sản xuất và tiêu thụ bền vững – Một số khái niệm cơ bản

Sản xuất và tiêu
thụ được xem là bền vững khi việc sản xuất và tiêu thụ đó đáp ứng được các nhu
cầu cơ bản và đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, đồng thời giảm thiểu việc
sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các vật liệu độc hại, và giảm thiểu
lượng chất thải và các chất ô nhiễm phát thải trong suốt vòng đời sản phẩm,
nhằm tránh gây nguy hại đến các nhu cầu của các thế hệ sau.

 

Cách tiếp cận về
sản xuất và tiêu thụ bền vững được xem là chiến lược thực hiện cụ thể để đạt
được phát triển bền vững, trong đó bao gồm các yếu tố về kinh tế, môi trường và
xã hội. Một cấu phần quan trọng của cách tiếp cận về sản xuất và tiêu thụ bền
vững là việc áp dụng rộng rãi các chính sách, các hoạt động của các thành phần
tư nhân, cũng như các hoạt động đầu tư để tác động đến cả cung và cầu các sản
phẩm và dịch vụ nhằm giúp giảm thiểu các tác động xấu của việc sản xuất và tiêu
thụ một cách đồng bộ.

 

v    
Sản xuất
bền vững:

Nhu cầu hướng
đến sản xuất bền vững ngày càng gia tăng. Sản xuất bền vững bao gồm việc áp
dụng các giải pháp kỹ thuật mới, sáng tạo trong thiết kế và cải tiến sản phẩm,
cũng như chú trọng đến các quá trình sản xuất như khuyến khích áp dụng sinh thái công nghiệp, các tiếp cận vòng đời sản phẩm, sản xuất sạch hơn, sản xuất
xanh
,..

 

Tại các nước
phát triển, những cải tiến, đổi mới về quá trình, công nghệ sản xuất đã giúp
giảm bớt lượng năng lượng cần sử dụng, giảm thiểu lượng phát thải các chất ô
nhiễm như các oxit lưu huỳnh và các kim loại nặng, cũng như giúp tiết kiệm chi
phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, những thành quả về môi trường và kinh tế đạt
được từ những đổi mới, cải tiến sản xuất này lại bị bù trừ do ảnh hưởng của nhu
cầu tiêu thụ, chẳng hạn như việc gia tăng dân số và nhu cầu nâng cao chất lượng
cuộc sống. Vấn đề cần chú ý là những nỗ lực giúp các sản phẩm và dịch vụ trở
nên hoà hợp, tương thích với môi trường, cũng như đem lại các lợi ích về kinh
tế (tiết kiệm chi phí) cho các công ty từ những cải tiến trên lại tạo ra điều
kiện rất thuận lợi để tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm và dịch vụ đó, và do đó phần
nào phủ nhận những lợi ích đạt được từ việc cải tiến quá trình sản xuất (hiệu
ứng nẩy ngược của quả bóng).

 

v    
Tiêu thụ
bền vững:

Mục đích của
tiêu thụ bền vững là chú trọng đến toàn bộ vòng đời sản phẩm làm sao để việc sử
dụng các nguồn tài nguyên, năng lượng tái tạo và không thể tái tạo đạt được
hiệu quả nhất. Nói một cách đơn giản, tiêu thụ bền vững là việc áp dụng một
cách thức khác để tiêu dùng mà việc tiêu dùng đó giúp giảm đi lượng nguyên liệu
và mức độ năng lượng sử dụng cho một đơn vị sản phẩm. Ngoài sản phẩm, tiêu thụ
bền vững cũng có thể được mở rộng ra cho các đối tượng khác như dịch vụ, các
tài nguyên thiên nhiên, điện, nước, đất, ..

 

Với những khái
niệm cơ bản nêu trên, rõ ràng giữa sản xuất và tiêu thụ bền vững có sự liên hệ
chặt chẽ với nhau nhằm giúp cho việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bắt đầu từ
công đoạn sản xuất sản phẩm, quá trình sử dụng sản phẩm, và cuối cùng là thải
bỏ sản phẩm đã sử dụng, đạt được hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, giữa sản xuất và
tiêu thụ bền vững cũng có sự tương tác qua lại, chẳng hạn như các nhà sản xuất
có thể tác động đến việc tiêu thụ qua việc thiết kế lại sản phẩm (theo hướng
bền vững) và sau đó quảng bá đến người tiêu dùng. Với người tiêu dùng, họ cũng
có thể tác động ngược trở lại với nhà sản xuất thông qua những lựa chọn sản
phẩm của mình.    

                                                                                             

Nguyễn
Duy Bình, Trần Thị Liên

Chi Cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM

(Tổng
hợp từ báo cáo Planning for change-
Guidelines for National Programmes on Sustainable Consumption and Production,
UNEP)