Vài nét về lịch sử ra đời của Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn (Clean up the world)

 
Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn được khởi xướng bởi một nhà xây dựng, đồng thời cũng là một vận động viên đua thuyền buồm người Australia, ông Ian Kiernan.

Ông Ian Kiernan – Chủ tịch – Người sáng lập ra Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn

Sau cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới trong quãng thời gian 1986-1987, ông Ian Kiernan 59 tuổi đã phải kinh ngạc vì sự ô nhiễm mà ông được chứng kiến trên các đại dương mà ông đã đi qua. Khi trở về quê hương ở Sydney (Australia), ông quyết định phải làm một điều gì đó cho thành phố quê hương mình. Năm 1989, ông đã tuyên truyền vận động mọi người tham gia vào phong trào Ngày làm sạch cảng Sydney và đã thu hút được sự tham gia của 40.000 tình nguyện viên. Ngay sau đó, năm 1990, sáng kiến của ông đã dẫn đến một sự kiện quốc gia –Ngày làm cho Australia sạch hơn lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia hưởng ứng của hơn 300.000 người.

Hàng năm, Ngày Làm sạch cho Australia sạch hơn lại thu hút hàng trăm nghìn người tình nguyện tham gia thu dọn rác trên khắp đất nước Australia. Thành công to lớn của Chiến dịch đã được nhân rộng trên khắp hành tinh thông qua việc phát động Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn lần đầu tiên vào năm 1993, với sự phối hợp tổ chức của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP).

Ông Ian Kiernan đã được tặng thưởng vì những đóng góp của ông đối với môi trường. Ông đã vinh dự được nhận Giải thưởng Global 500 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc vào năm 1993 và giải thưởng của Liên hợp quốc có tên là Sasakawa vào năm 1998. Chiến dịch làmcho Thế giới sạch hơn cũng được nhận giải thưởng Người công dân Thế giới do Hiệp hội Hướng đạo sinh Thế giới bình chọn vì khả năng huy động cộng đồng và cá nhân cùng làm những công việc có ích cho môi trường.

Ngay từ khi mới được phát động, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều quốc gia trên thế giới. Chiến dịch đã được các tổ chức môi trường quốc tế, đặc biệt là Chương trình Môi trường Liên hợp quốc công nhận là một sáng kiến mang lại hiệu quả cao, tạo điều kiện cho mọi người dân ý thức được trách nhiệm và có quyền tham gia vào giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến môi trường của họ.

Kể từ năm 1993, Chiến dịch đã trở thành một trong những sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút được sự tham gia của trên 35 triệu tình nguyện viên ở hơn 120 quốc gia trên toàn thế giới. Chiến dịch là dịp quy tụ các doanh nghiệp, các nhóm cộng đồng, các trường học, các nước và các cá nhân cùng tham gia các hoạt động và chương trình cải thiện và bảo vệ môi trường như trồng cây, phục hồi tài nguyên, giáo dục cộng đồng, các cuộc thi và triển lãm về môi trường, thu gom, xử lý và tái chế rác thải,…

Năm 2010, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn sẽ diễn ra từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 9 với chủ đề: Cộng đồng quan tâm bảo vệ thiên nhiên.

Mục tiêu Chiến dịch

      Khuyến khích mọi công dân trên hành tinh cùng tích cực thực hiện những hành động thiết thực góp phần chăm sóc và bảo vệ môi trường sống của chính mình;

      Chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực tiễn tổ chức Chiến dịch giữa các quốc gia có các nền văn hóa khác nhau và các tổ chức, cá nhân tham gia hưởng ứng Chiến dịch;

      Thiết lập mạng lưới tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn thế giới về các hoạt động của Chiến dịch từ đó nâng cao nhận thức cho các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp và cộng đồng về các vấn đề môi trường địa phương, đặc biệt về giảm thiểu rác thải, tái chế và quản lý rác thải.

Việt Nam là một trong những nước tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động của Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn. Vào tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức trọng thể Chiến dịch này. Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tham gia nhiệt tình của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân.

Nguồn: Trung tâm đào tạo và Truyền thông môi trường Tổng cục Môi trường