Ô NHIỄM TRONG NHÀ
(Indoor pollution)
Th.S Đỗ Hòang Oanh
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh
1. KHÁI NIỆM & ĐỊNH NGHĨA
Khái niệm
· Ô nhiễm môi trường là gì?
Khi có sự hiện diện của trong môi trường các sản phẩm từ họat động do con người gây ra, mà các chất này gây nguy hiểm hoặc những ảnh hưởng khó chịu đến sức khỏe. Các chất này được gọi là chất ô nhiễm.
Người ta phân biệt 2 hình thức ô nhiễm: ô nhiễm ngòai trời (outdoor pollution) và ô nhiễm trong nhà (indoor pollution).
· Nguồn gốc ô nhiễm
– Nhân tạo: sinh họat của con người, họat động công nghiệp, nông nghiệp
– Tự nhiên: núi lửa, cháy rừng, …
· Bản chất của các chất ô nhiễm
Các chất ô nhiễm có thể có bản chất sinh học, vật lý hoặc hóa học.
– sinh học: như bào tử (nấm, mốc..), vi khuẩn, virus, phấn hoa…
Ô nhiễm sinh học đề cập đến sự hiện diện cũa nấm, mốc, bào tử, vi khuẩn và virus là những ví dụ của ô nhiễm trong nhà có bản chất là sinh học. Các lọai sinh vật này tìm thấy một nơi trú ngụ lý tưởng trong không gian trong nhà – trong các hạt bụi lơ lửng, bụi trong nhà (vật chủ để mạt và các lòai khác bám vào, chịu trách nhiệm về việc tấn công của bệnh hen suyễn), thú nuôi, máy điều hòa không khí ít được bảo trì và những bức tường ẩm thấp.
– vật lý: như hơi nóng, độ ẩm, khói, bụi, tiếng ồn, ánh sáng, xung động, bức xạ, từ trường…
Tác nhân vật lý gây nên sự kém tiện nghi trong phòng bao gồm việc thiếu thông gió, kiểm sóat nhiệt độ hoặc độ ẩm không phù hợp của hệ thống điều hòa nhiệt độ, và một hệ thống lọc cũ kỹ hoặc họat động sai chức năng dẫn đến việc có hiện diện của bụi và sợi trong không khí.
Ô nhiễm ánh sáng đề cập đến ánh sáng mà người ta cảm thấy khó chịu, lãng phí hoặc nguy hiểm. Ánh sáng quá thừa trong nhà dẫn đến trạng thái mệt mỏi và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe
– hóa học: các hóa chất xét về bản chất là có hại (như kim lọai nặng, chất hữu cơ); dạng rắn, lỏng hoặc hơi.
Ô nhiễm trong nhà có bản chất hóa học bao gồm: (i) các sản phẩm đốt cháy thiếu thông gió hoặc các thiết bị sưởi ấm họat động không hiệu quả (bị hư hỏng, họat động sai chức năng), bếp lò, và khói thuốc lá; (ii) hợp chất hữu cơ bay hơi từ các sản phẩm ván ép, giấy dán tường, và các sản phẩm gia dụng thông thường (keo xịt tóc, keo dán, thuốc tẩy rửa, thuốc trừ sâu, v.v…).
Cuối cùng, một lọai khí tự nhiên có phóng xạ là radon (một thành viên của họ uranium có thể gây ung thư) bổ sung trọn vẹn danh mục các chất ô nhiễm trong nhà tiềm năng. Do có bản chất khí, radon phát thải từ các lọai đá và đất đặc biệt, nước ngầm hoặc vật liệu xây dựng làm từ đất có thể dễ dàng xâm nhập vào bất kỳ tòa nhà nào nằm ở khu vực có phát xạ này.
· Các hình thức phơi nhiễm với ô nhiễm
Sự phơi nhiễm (exposure) diễn ra nếu các chất ô nhiễm đi vào cơ thể bằng con đường: hô hấp (thở), tiêu hóa (ăn, uống) hoặc tiếp xúc (sờ mó) vào các chất ô nhiễm hoặc những đồ vật, nguyên liệu đã bị nhiễm các chất này.
· Yếu tố xác định một chất ô nhiễm gây hại cho sức khỏe
Có nhiều yếu tố để xác định khi nào thì một hóa chất, một tác nhân có thể gây hại đến sức khỏe con người. các yếu tố gồm:
v Lọai hóa chất/tác nhân;
v Hình thức tiếp xúc: con đường mà chất đó hiện diện trong môi trường; các tác nhân/hóa chất thâm nhập vào cơ thể con người như thế nào và ở đâu;
v Thời gian tiếp xúc với hóa chất này và lượng chất này đi vào cơ thể.
Một hóa chất, một tác nhân tác động được đến sức khỏe của một người nào còn phụ thuộc vào chính các điều kiện của bản thân người đó:
v tuổi tác;
v điều kiện sức khỏe;
v cấu trúc di truyền.
· Ô nhiễm trong nhà
Chúng ta thường nghĩ rằng ô nhiễm không khí cục bộ là vấn đề gây ra bởi công nghiệp hoặc giao thông – và điều đó đúng – nhưng thế còn vấn đề ô nhiễm trong nhà thì sao? Ô nhiễm trong nhà có thể cao hơn nhiều lần so với ô nhiễm ngoài trời.
Trong khỏang 30 năm trở lại đây, người ta đã quan tâm nhiều hơn đến việc giảm ô nhiễm trong nhà, nhưng chỉ gần đây cộng đồng khoa học quốc tế lo lắng về việc giảm ô nhiễm không khí của những môi trường khép kín. Nếu biết thời gian mà một người sử dụng trong một môi trường kín là rất lớn (90%), chúng ta sẽ hiểu vấn đề ô nhiễm trong nhà có tầm quan trọng hàng đầu.
· Các nghiên cứu của Mỹ và châu Âu cho thấy con người ở các nước công nghiệp dành hơn 90% thời gian của họ ở trong nhà. · Nồng độ của nhiều chất ô nhiễm trong nhà vượt nồng độ của chúng ở ngoài trời. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA-Environmental Protection Agency) nghiên cứu sự phơi nhiễm của con người đối với các chất ô nhiễm trong không khí chỉ ra rằng nồng độ trong nhà của các chất ô nhiễm có thể cao hơn 2-5 lần và đôi khi cao hơn 100 lần so với nồng độ ngoài trời. · Các địa điểm được quan tâm nhiều nhất là những khu vực mà sự phơi nhiễm kéo dài, liên tục – đó là nhà ở, trường học và nơi làm việc. · Phổi là vị trí bị thương tổn phổ biến nhất bởi các chất ô nhiễm trong không khí. Tuy nhiên, ảnh hưởng cấp tính cũng có thể bao gồm những dấu hiệu và triệu chứng phi-hô hấp (non-respiratory signs), phụ thuộc vào độc tính của các chất ô nhiễm và các yếu tố liên quan đến người bị nhiễm các chất này. · Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí trong nhà chủ yếu gây ra bởi việc đốt nhiên liệu rắn, được ước tính làm chết hơn 50.000 trẻ em hằng năm (dưới 4 tuổi) tại châu Âu. (Nguồn:www.epa.gov/laq/pubs/hpguideline.html); http://news.bbc.co.uk/2/hi/science/nature/3816579.stm ) |
Ô nhiễm trong nhà (indoor pollution) mô tả các chất ô nhiễm, như bụi, hóa chất và mốc được tìm thấy trong nhà, có thể nguy hiểm hoặc không nguy hiểm. Nếu bạn thấy có vấn đề về hô hấp, như bị suyễn hoặc viêm phổi, việc quan trọng là phải xác định xem không khí trong nhà bạn hoặc văn phòng nơi bạn làm việc có bị ô nhiễm không.
Định nghĩa
Ô nhiễm trong nhà được định nghĩa là sự ô nhiễm khi “có sự hiện diện của các chất ô nhiễm có tính chất vật lý, hóa học hoặc sinh học trong không khí của các môi trường bị giới hạn, mà các chất này không hiện diện một cách tự nhiên với số lượng lớn trong không khí ngoài trời của hệ sinh thái” (Bộ Môi trường Ý, 1991).
2. NGUỒN GỐC
Thành phần không khí bên trong một căn nhà cơ bản cũng giống như thành phần không khí bên ngòai, nhưng khác về số lượng và lọai chất ô nhiễm. Đối với những chất ô nhiễm bên ngòai, phải tính thêm tất cả những tác nhân gây ô nhiễm phát sinh bên trong ngôi nhà.
Các chất ô nhiễm trong nhà có nguồn gốc chủ yếu từ:
· Vật liệu xây dựng.
· Thiết bị sưởi ấm, máy lạnh; và dụng cụ đun nấu.
· Đồ đạc.
· Vật liệu che phủ (sơn tường, véc-ni, tấm lót nền nhà, v.v).
· Sản phẩm bảo trì và tẩy rửa (bột giặt, thuốc trừ sâu, v.v).
· Sử dụng không gian và các họat động đã thực hiện trong không gian đó.
· Khói thuốc lá
· Bụi và lông từ thú vật
· Mốc, nấm và vi khuẩn
Nhiệt độ và độ ẩm cao cũng có thể làm tăng nồng độ của một sô chất ô nhiễm. Chất ô nhiễm không khí ngòai trời cũng có thể gây vấn đề cho không khí bên trong, đặc biệt vào những ngày đẹp trời hoặc nắng nóng khi các cửa sổ được mở ra.
Các độc tố và chất gây ung thư có trong khói thuốc lá trong phòng kín gây hại cho sức khỏe. | ||
Vật liệu che phủ và sơn tường và đồ đạc, v.v. phóng thích theo theo thời gian các hợp chất hữu cơ bay hơi khác nhau (phọoc-môn, dung môi, v.v.) | ||
Phát thải các chất hữu cơ (chất béo và các sản phẩm oxy hóa của chúng) từ họat động nấu nướng. | ||
Đường đi của bụi vào cơ thể con người | ||
Mạt hiện diện trong giường, nệm, gối, ghế nệm… | ||
Phấn hoa – tác nhân gây dị ứng | ||
Vi khuẩn – tác nhân gây ô nhiễm trong nhà có bản chất sinh học | ||
Bào tử nấm mốc | ||
Khói thải của họat động đun nấu bằng than, củi là nguồn ô nhiễm trong nhà nguy hiểm tiềm ẩn cho sức khỏe phụ nữ và trẻ em tại các quốc gia đang phát triển |
3. CÁC VỊ TRÍ MÀ CÁC CHẤT Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ CÓ THỂ TÌM THẤY TRONG NHÀ
Các vị trí ô nhiễm trong nhà.
Các vị trí các chất ô nhiễm không khí có thể được tìm thấy trong nhà | |
1. Khói thuốc lá | 6. Thiết bị đun nấu và sưởi ấm |
2. Bụi của thú nuôi trong nhà | 7. Bụi mạt |
3. Máy lạnh | 8. Hóa chất độc |
4. Mốc, nấm và vi khuẩn | 9. Khí hiếm |
5. Khí formandehyde (phọoc-môn) | 10. Amiăng |
4. TÁC ĐỘNG ĐẾN SỨC KHỎE CỦA Ô NHIỄM TRONG NHÀ
* Chất ô nhiễm sinh học
Ảnh hưởng thông thường đến sức khỏe là dị ứng và những phản ứng khác trong hệ thống miễn dịch dẫn đến hen suyễn, viêm da…
Trong số các chất/tác nhân sinh học gây ô nhiễm trong nhà, đáng chú ý nhất là mốc. Những triệu chứng quan trọng về ảnh hưởng đến sức khỏe gây ra do mốc xếp theo thứ tự:
· Dị ứng
· Hen suyễn
· Chảy máu phổi
· Khó thở
· Ung thư
· Ảnh hưởng đến họat động của hệ thần kinh trung ương
· Lạnh, giảm sức đề kháng với các lọai bệnh nhiễm trùng
· Ho và dẫn đến đau phổi/ngực từ việc ho quá mức.
· Ho ra máu
· Tóc có gàu (mãn tính) không khỏi dù đã sử dụng dầu gội trị gàu
· Viêm da và da nổi mụn
· Tiêuchảy
· Có vấn đề về mắt và thị lực
· Mệt (mãn tính, quá sức hoặc liên tục) và/hoặc say sóng
· Cảm thấy mất hoặc “bị gián đọan” về những sự việc xảy ra chung quanh
· Triệu chứng cúm
· Rụng tóc
· Nhức đầu
· Xuất huyết phổi
· Viêm thanh quản
· Viêm phế nang, bệnh phổi ở nông dân
· Kích ứng
· Ngứa mũi, mắt, miệng, mắt, cổ họng, da hoặc bất kỳ vùng nào của cơ thể
· Thận họat động kém
· Khó học tập hoặc có vấn đề thiểu năng trí tuệ hoặc thay đổi tính cách
· Mất trí nhớ hoặc khó nhớ/triệu chứng giống bệnh Alzheimers
· Hở và rách vết thương ở da
· Hội chứng nhiễm độc bụi hữu cơ
· Ảnh hưởng đến hệ thần kinh ngọai vi
· Đỏ mắt (phần tròng trắng của mắt)
· Chảy nước mũi (viêm mũi), màng nhầy trong, mỏng, ẩm ướt xuất hiện đột ngột từ mũi, hoặc chất nhờn đặc, màu xanh từ khoang mũi
· Tai biến ngập máu (seizure)
· Nghẹt xoang mũi, có vấn đề về xoang và viêm xoang mãn tính
· Khó ngủ
· Những cơn hắt hơi (nhiều hơn 3 lần trong một khỏang thời gian, xảy ra thường xuyên).
· Đau họng
· Rùng mình (lắc người)
· Phát âm không bình thường (khó khăn khi nói)
· Chóng mặt
· Buồn nôn
Những nơi mốc dể sinh trưởng như: nền nhà, mái nhà, tường nhà dơ bẩn và ẩm thấp; sách, báo, tạp chí; thảm và vật liệu đệm; trần nhà (từ những lỗ dột của mái nhà); đằng sau và dưới vòi sen, bồn tắm, tường nhà vệ sinh và nhà tắm; gạch lót trền; quần áo; chỗ nuôi cá; tường và trần nhà khô; chỗ đổ rác; rèm cửa; sơn; vật dụng bằng da; giấy, giấy carton, và các sản phẩm bằng giấy; cây trồng trong nhà; đồ đạc không được che phủ; thiết bị sưởi ấm và làm mát (máy lạnh) và ống dẫn; máy làm ẩm và máy làm bay hơi….
* Chất ô nhiễm có bản chất vật lý
– cường độ ánh sáng quá cao hoặc quang phổ ánh sáng không phù hợp sẽ làm nhức đầu, mệt mỏi, căng thẳng, giảm chức năng tình dục và tăng cảm giác lo âu. Có nhiều bằng chứng cho thấy sự phơi nhiễm hằng ngày trong thời gian dài với ánh sáng có độ sáng trung bình dẫn đến suy giảm khả năng tình dục. Đặc biệt tại Mỹ, người ta đã tìm ra các bằng chứng cho thấy mức độ chiếu sáng trong môi trường làm việc ở các văn phòng dẩn đến căng thẳng cũng như công nhân mắc nhiều lỗi hơn trong quá trình làm việc. Nhiều nghiên cứu đã xuất bản cho cũng nêu lên một mối liên kết giữa sự phơi nhiễm với ánh sáng và rủi ro về bệnh ung thư vú do sự suy giảm trong việc sản xuất bình thường về đêm của nội tiết tố melatonin.
* Chất ô nhiễm có bản chất hóa học
– Các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC): hủy tế bào máu, tế bào gan, thận; gây ung thư, viêm da, tổn hại đến hệ thần kinh trung ương, buồn nôn, mất phương hướng; mệt mỏi; ảnh hưởng đến khả năng sinh sản (hiếm muộn, vô sinh) và giảm tỉ lệ sinh sản (khó đậu thai, sinh ít con); gây chết nếu hít vào với lượng lớn ở nồng độ cao.
– Thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng: các phốt-phát hữu cơ và cạc-bô-nát hiện diện trong thuốc trừ sâu có ảnh hưởng và làm tổn hại đến hệ thần kinh (không phục hồi được) và có thể gây ung thư. Một số thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng có chứa chất gây ung thư vượt mức cho phép. Thuốc trừ sâu chứa Clorua gây tổnhại đến khả năng sinh sản và hệ nội tiết. Một chế phẩm có chứa họat chất thuốc trừ sâu vẫn thường sử dụng trong gia đình là dầu gội trị chí. Nếu ở nhà có trẻ em, khi chúng bị chí, chải chí bằng lược bí cũng là một cách loại trừ chí nhưng đa số các bà mẹ sẽ phải dùng dầu gội trị chí để diệt tận gốc nhằm tránh lây lan trong gia đình và khi đến trường. Dầu gội trị chí chứa một liều lượng thuốc trừ sâu độc hại như organophosphates hoặc ngay cả lindane; khi nuốt phải hoặc ngấm vào da, có thể làm ói hoặc tiêu chảy; các chất này còn gây tổn hại cho gan, chết non, quái thai và ung thư. Việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu gia dụng để diệt mối, vòng cổ trừ bọ chét cho chó (mèo), thuốc xịt muỗi hoặc diệt côn trùng, thuốc diệt cỏ, v.v. làm tăng rủi ro ung thư não ở trẻ em.
Mỹ phẩm cũng chứa rất nhiều hóa chất và dung môi hữu cơ. Có lẽ mặt hàng đáng sợ nhất trong số các sản phẩm của công nghệ làm đẹp là nước hoa. Phần lớn phụ nữ sử dụng nước hoa thường xuyên nhưng điều mà nhiều người không biết là công nghiệp nước hoa không có quy định. Lý do ngành này được luật pháp bảo vệ là cho phép nhà sản xuất giữ bí mật thành phần hương liệu. Nhiều hóa chất có trong nước hoa dễ hấp thu vào da để từ đó tích lũy trong các cơ quan chính của cơ thể. Trong khi chưa có nghiên cứu y khoa nghiêm túc nào được thực hiện về ảnh hưởng của nước hoa, một số bác sĩ và nhà khoa học tin rằng nước hoa có thể gây hại cho sức khỏe như khói thuốc lá, phần nào do 95% hóa chất sử dụng trong hương liệu là những hợp chất tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ. Các hợp chất này bao gồm dẫn xuất của benzene, aldehydes và nhiều chất độc khác có khả năng gây ung thư, quái thai, rối loạn hệ thần kinh trung ương và dị ứng. Các mùi hương hóa chất này còn có thể tìm thấy trong nước hoa xịt phòng, khăn giấy, bột giặt, nước làm mềm vải…
Trong 50 năm qua, cách thức thực phẩm được sản xuất, bán, mua và chế biến lại đã thay đổi một cách đột ngột. Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ được sử dụng tùy tiện trên thực phẩm chúng ta ăn và chúng có thể chứa những thành phần ảnh hưởng không chỉ đến hệ thần kinh của côn trùng mà còn đến sức khỏe của người ăn thực phẩm này. Nhiều hóa chất trong thuốc trừ sâu không thể loại bỏ ra khỏi cơ thể theo đường tiêu hóa, mà tích lũy trong các mô mỡ và có liên quan đến các bệnh về suy giảm chức năng. Ví dụ như organochlorine rất phổ biến trong thuốc trừ sâu, rất bền vững, không tan trong nước, có thể duy trì lâu dài trong cơ thể và môi trường.
Ngoài ra, tất cả các loại thực phẩm chế biến đều chứa các chất phụ gia độc hại ở mức độ khác nhau. Ở Anh, mỗi năm hơn 200.000 tấn phụ gia được đưa vào thực phẩm chế biến. Các thực phẩm chế biến chứa nhiều đường và muối có thể cản trở chức năng của insulin và các axít béo thiết yếu cho cơ thể. Chế độ ăn uống kém chất lượng này cộng với việc sử dụng rộng rãi các kháng thể trong y học và nông nghiệp, có thể làm cho nhiều người trong chúng ta gặp phải vấn đề “nội ô nhiễm” (internal pollution). Nội ô nhiễm diễn ra khi những vi khuẩn có lợi trong đường ruột bị các vi khuẩn không có lợi cho sức khỏe khống chế. Các vi khuẩn không có ích này phóng thích các sản phẩm phụ độc hại vào vòng tuần hòan trong cơ thể và có thể gây nên những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cơ thể. Nhưng việc chúng ta không chống lại được những ảnh hưởng xấu của độc tố phụ thuộc vào kiến thức và sự chọn lựa của mỗi người. Chúng ta cần nhận lãnh trách nhiệm cá nhân để không trở thành nạn nhân của độc tố. Điều này liên quan đến những việc ta cần làm để giúp cơ thể tự bảo vệ khỏi độc tố.
Với hơn 80.000 hóa chất đang hiện diện, thóat khỏi việc tiếp xúc với hóa chất là điều không thể, bởi vì chúng gần như hiện diện trong mọi khía cạnh của đời sống hiện đại. Dưới đây là vài mẹo vặt để giúp bạn giảm việc tiếp xúc với hóa chất. Phụ nữ có thai và trẻ em cần được chú ý nhiều hơn do dễ bị ảnh hưởng.
– Tránh sử dụng sản phẩm có hương liệu vì chúng chứa các hóa chất tích lũy trong cơ thể. Cố gắng giảm việc sử dụng các sản phẩm có mùi hương, ví dụ, chỉ sử dụng nước hoa vào những dịp đặc biệt; mở cửa sổ thay vì dùng nước hoa xịt phòng làm từ hóa chất; hoặc sử dụng các sản phẩm không có hương liệu (fragrance free).
– Sử dụng sơn nước (water-based) thay vì sơn dầu (oil-based) vì loại này ít độc hơn.
– Tránh sử dụng thuốc diệt côn trùng, thuốc trừ sâu trong nhà và vườn. Không đến gần những nơi mới xịt các loại thuốc này.
– Giảm việc sử dụng nhựa nói chung; sử dụng ly, vật chứa bằng thủy tinh.
– Cần lắp đặt một hệ thống thông gió hiệu quả tại gia đình và nơi làm việc.
– Đeo găng tay hoặc khẩu trang khi sử dụng bất cứ vật liệu độc hại nào.
– Thay thế thường xuyên bộ lọc bụi của máy điều hòa không khí cũng là biện pháp có ích.
– Dinh dưỡng cần để hỗ trợ chức năng của các cơ quan liên quan trực tiếp đến việc giải độc: gan, đường ruột và thận. Vitnamin A, B3, B6, C, E, beta carotene, amino acid L-cysteine và L-glutamine và một thành phần được biết dưới tên gọi glutathione và phospholipid là những chất hỗ trợ chức năng của gan. Vitamin A, C, B6 và khóang chất Mg, K hỗ trợ cho chức năng của thận. Thận cung cấp một lộ trình chính để bài tiết chất độc thông qua nước tiểu; vì vậy cần uống ít nhất mỗi ngày 2 lít nước mỗi ngày để cơ thể có thể được lọai bỏ chất độc.
– Cần ăn uống điều độ với nhiều thực phẩm tươi, tránh ăn thừa chất béo, đường tinh luyện và những thực phẩm có nhiều chất bảo quản và phụ gia.
– Giảm trọng lượng sẽ có ích cho những ai thừa cân. Lượng chất béo dư trong cơ thể tạo ra một vị trí dự trữ sẵn sàng cho các độc tố ưa chất béo đi vào cơ thể. Một khi độc tố được lưu giữ trong cơ thể thông qua việc gắn kết với lượng chất béo thừa này sẽ rất khó lọai bỏ chúng ra khỏi cơ thể và chúng có khả năng trở thành nguồn độc tố duy trì liên tục trong cơ thể.
5. BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU
6 Cách Để Giảm Ô nhiễm Trong nhà.
Cách hiệu quả nhất để kiểm sóat ô nhiễm trong nhà là phải lọai bỏ các nguồn gây ô nhiễm. Ngòai ra bạn có thể cải thiện tình trạng thông gió của căn phòng bằng cách đưa không khí sạch bên ngòai vào.
(1) Dọn dẹp: tiệt trừ những nguồn làm phát sinh bụi, mốc, nấm, ví dụ, chuyển hệ thống sưởi ấm bằng khí nóng cưỡng bức bằng hệ thống sưởi ấm bằng nước nóng cưỡng bức. Hút bụi hoặc giặt rèm cửa hằng tuần, quét hoặc hút bụi nhà hằng ngày. Giặt thú nhồi bông 2 tuần/lần; dùng tấm nhựa che giường vào ban ngày. Nên mua máy hút bụi không sử dụng túi lọc bên trong (vì dễ làm phát tán bụi ra ngòai khi thao tác).
(2) Trang bị bộ lọc không khí có chất lượng tốt: bộ lọc khí trong các máy điều hòa không khí họat động hiệu quả giúp cho bầu không khí trong phòng có chất lượng cao hơn. Hệ thống lọc gió và các bộ lọc ống khói hiệu quả cao sẽ lọai bỏ những hạt bụi có kích thước từ 1-10 micron. Cần nói thêm rằng lông mũi ở người chỉ cản lại được những hạt bụi có kích thước lớn hơn 10 micro mét.
Việc thông gió đầy đủ là một cách hiệu quả để duy trì chất lượng không khí trong nhà được tốt, mặc dù đây cũng là con đường cho phép không khí bên ngòai có chứa các chất ô nhiễm xâm nhập vào trong nhà trong lúc đưa không khí tươi vào.
(3) Oxy hóa: khí Ozôn ở nồng độ thấp sẽ diệt mùi hôi gây ra bởi những chất ô nhiễm như mốc, khói thuốc lá, phọoc-môn (formaldehyde), ben-zen hoặc axêtôn. Tuy nhiên, nồng độ ozôn cao lại có hại cho sức khỏe.
(4) Pha lõang: mở cửa số và để không khí trong lành hòa trộn với các chất ô nhiễm, và do đó có tác dụng pha lõang các chất ô nhiễm này. Tuy nhiên, không nên mở cửa sổ nếu như quanh nhà chúng ta có nguồn mốc hoặc phấn hoa ở gần đấy (chẳng hạn ở gần công viên, hàng cây đang vào mùa hoa nở làm bay phấn hoa trong không khí; hoặc có những nguồn phát sinh mốc không được che đậy, như thực phẩm bị bỏ ngòai đường đang lên mốc, tường hoặc mái nhà hàng xóm có mốc). Lưu ý không nên phơi quần áo ngòai trời khi có sự hiện diện của phấn hoa hoặc mốc trong không khí.
(5) Hấp thu: giải pháp dùng than họat tính trong các bộ lọc không khí để hấp thu các hợp chất độc (như phọoc-môn, ben-zen và axêtôn) cũng là một cách để giảm thiểu nồng độ các hóa chất có trong không khí trong nhà gây hại cho sức khỏe con người (ví dụ than họat tính từ vỏ trái dừa khô).
(6) Chiếu xạ: tia cực tím (UV-ultra violet) tiêu diệt các chất ô nhiễm trong nhà. Lưu ý rằng tia UV chỉ có tác dụng đối với chất ô nhiễm trong một khỏang cách nhất định từ nguồn sáng.
* Vài mẹo vặt để giữ độc tố không thâm nhập vào môi trường không khí trong nhà bạn
· Đừng hút thuốc.
· Sơn mới ngôi nhà nên chủ yếu ở bên ngòai càng nhiều càng tốt và chọn lọai sơn có nồng độ chất hữu cơ bay hơi (VOC-volatile organic compound) thấp.
· Trồng nhiều cây xanh trong nhà (chúng giúp lọai bỏ chất ô nhiễm và chất gây dị ứng trong nhà), nhưng cần phủi bụi chúng thường xuyên.
· Đừng dùng thảm. Thảm là nơi ẩn náu của bụi, các chất gây dị ứng và chất ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải dùng thảm, bạn nên dùng thảm len thay vì thảm bằng sợi tổng hợp và hút bụi thường xuyên. Làm sạch đường ống dẫn khí và kiểm tra rò rỉ. Tránh việc phát thải khí từ các vật liệu như polyester và vinyl) từ màn sáo cửa sổ, đồ đạc và nền nhà (các vật liệu này phát thải khí nhiều hơn khi bị phơi ra ánh nắng mặt trời). Làm sạch và giặt đồ đạc, rèm cửa, chăn, gối, nệm, ra giường và thú nhồi bông thường xuyên.
Một số lời khuyên khác:
· Đừng vận hành xe ô tô hoặc động cơ chạy bằng nhiên liệu trong gara.
· Khi đang lái xe, nếu thấy nhức đầu, mệt hay buồn nôn, nên kiểm tra lại hệ thống khí thải.
· Khi tổ chức tiệc nướng, luôn để lò nướng ờ ngòai trời.
PHỤ LỤC
NHỮNG CHẤT CÓ HẠI THƯỜNG GẶP
& ẢNH HƯỞNG CỦA CHÚNG
Ảnh hưởng đến con người | Lọai chất nguy hiểm | Nguồn có thể | Hành động khắc phục |
Chàm bội nhiễm, khó ngủ, hen suyễn do dị ứng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, dịch nhầy từ mũi, viêm màng kết và màng nhầy của mũi. | Tác nhân gây dị ứng | Bụi trong nhà, bào tử mốc, vật liệu xây dựng, cao su, đồ đạc, cây trồng | Sử dụng máy hút bụi và các sản phẩm chống dị ứng, tìm và lọai bỏ các nguồn gây dị ứng, tránh giữ thú nuôi trong nhà. |
Bệnh phổi phát sinh do hút phải bụi amiăng, ung thư phổi, màng phổi hoặc phúc mạc. | Amiăng* | Vật liệu chống cháy và bảo ôn, tôn fibro ximăng, lưới chống cháy dùng trong phòng thí nghiệm, lớp phủ ngòai vật liệu lót nền nhà bằng PVC, máy sưởi ấm trong kho. | Không sử dụng hoặc nhờ chuyên gia tư vấn lọai bỏ các nguồn chứa amiăng này. |
Nhức đầu, buồn nôn, hủy họai hệ thần kinh; PCP (pentachlorophenole) cũng có thể gây ung thư gan | Biocide | Chất bảo quản gỗ, sơn, thảm, thuốc trừ sâu, máy đuổi muỗi bằng viên thuốc trừ sâu | Lọai bỏ hoặc hàn lại các vật liệu và các vật dụng làm bị rò rỉ ra bên ngòai những khí độc, sử dụng lưới chống muỗi thay vì máy đuổi muỗi. |
Kích ứng màng nhầy (mũi, mắt) và cổ, cảm giác khó chịu, khó thở, nhức đầu; có thể gây ung thư. | Formaldehyde (phọoc-môn) | Khói thuốc lá, ván ép, sản phẩm làm bằng gỗ và đồ đạc, phát tán của các chất kết dính, khí đốt không có chụp đèn hoặc che chắn, thuốc tẩy uế. | Hút thuốc ở khu vực riêng, đọc hướng dẫn của nhà sản xuất trên bao bì, lọai bỏ vật liệu bảo ôn và vật dụng có khí rò rỉ. |
Căng thẳng do mùi hôi (cảm giác không thỏai mái cũng là một dấu hiệu nhận biết) | Mùi | Sơn nền nhà, sơn trên đồ đạc trang trí, vật liệu tự nhiên, ống thóat nước, dầu có mùi thơm | Tìm và lọai bỏ các nguồn có mùi này. |
Căng thẳng do mùi, kích ứng của hệ hô hấp, hủy họai hệ thống thần kinh, cảm giác không thỏai mái. | Hợp chất hữu cơ bay hơi (volantile organic carbon – VOC) | Dung môi, mùi, sơn, chất kết dính, keo dán, vật liệu trám lỗ và đắp phủ; máy giặt khô, phân xưởng sơn; nước hoa xịt phòng, keo xịt tóc, sản phẩm nhựa trong xe ô tô, chất tẩy rửa… | Sử dụng các sản phẩm không chứa dung môi, làm thóang khí phòng thường xuyên, tìm hoặc cách ly/bịt kín các nguồn phát ra VOC. |
Khiếm khuyết về thị giác, hoa mắt, khiếm khuyết về hệ thần kinh trung ương, nhức đầu, chết do thiếu hụt oxy bên trong cơ thể (internal suffocation) | Khí CO, NO2 | Rò rỉ từ lò đun nấu, ống khói, lò đun nấu bằng khí đốt, ga ra, lò sưởi bằng dòng nước liên tục không có khói, khói thải từ ống pô xe, máy phát điện. | Kiểm tra định kỳ các thiết bị, thay mới hoặc thay thế các thiết bị hư, lắp đặt hệ thống thông gió chủ động để rút các khí thải ra ngòai; không nổ máy xe hoặc vận hành máy phát điện trong nhà. |
Kích thích màng nhầy (mũi, mắt) và cổ họng, khó thở, hủy họai hệ miễn dịch | Ôzôn (O3) | Thiết bị văn phòng (máy photocopy), máy lọc không khí | Đặt máy photo tại một nơi riêng biệt, dùng máy lọc ôzôn. |
Hủy họai hệ thần kinh, kích thích màng nhầy (đặc biệt là mắt), nhức đầu, mệt, hủy họai đường hô hấp, có khả năng gây ung thư. | Perchloroethylene (PER) | Máy giặt khô và quần áo đã được giặt khô | Sử dụng chất không có chứa PER, chọn lọai quần áo may bằng vật liệu không yêu cầu giặt khô. |
Hủy họai bào thai, hủy họai hệ thống miễn dịch, bị nghi ngờ là nguyên nhân gây ung thư | Perchlorinated biphenyls (PCB)* | Vật liệu hàn kín, | Lọai bỏ các vật liệu chứa chất độc, hoặc nhờ chuyên gia tư vấn xử lý để lọai bỏ các độc chất này. |
Mùi, gây ung thư | Polycylic aromatic hydrocarbon (PAK)* | Keo dán ván lót sàn, vật liệu chống ẩm | Bịt kín hay lọai bỏ các nguồn phát thải khí độc này |
Nguyên nhân gây ung thư | Radon | Đất, vật liệu xây dựng | Làm thóang không khí phòng thường xuyên (mở cửa sổ và cửa lớn để không khí tự nhiên vào phòng nhiều lần trong tuần); hàn kín các nguồn phát thải |
Dị ứng, kích thích, nhiểm trùng, hủy họai do độc tố của nấm, mùi. | Bào tử mốc và độc tố của mốc, vi khuẩn | Các vật liệu bị mốc (thực phẩm, đồ đạc) tòa nhà bị mốc (tường, mái, sân…), mốc trong thiết bị xử lý không khí (máy điều hòa không khí, máy làm ẩm không khí). | Lọai bỏ các nguồn làm phát sinh mốc bằng cách sửa chữa các khiếm khuyết trong xây dựng (rò rỉ, hệ thống thóat nước kém), giảm độ ẩm, thông khí phòng thường xuyên. |
Ung thư phổi, bệnh hen suyễn, hủy họai tim và hệ hô hấp, rối lọan tuần hòan. | Khói thuốc lá | Thuốc lá, xì gà, tẩu thuốc | Không hút thuốc trong nhà, dành riêng không gian để hút thuốc. |
Hành động khắc phục đầu tiên: cung cấp đủ không khí trong nhà |
(Nguồn: The Healthy Indoor-Air Guide. The Chemistry of Housing; The Austrian Federal Ministry of Environment, Youth and Family in co-coperation with IBO-Austrian Institute for Healthy and Ecological Building, 2000).
* Các chất này đã bị cấm sử dụng tại Áo và một số quốc gia trên thế giới.